Đề bài: Phân tích bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà thơ Hàn Mặc Tử
Bài làm
Trong phong trào thơ Mới, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng với những tác phẩm trữ tình dạt dào cảm xúc. Có lẽ, vì số phận bạc bẽo với căn bệnh hiểm nghèo mà thơ ông thường mang một chút buồn sầu thẳm. Buồn cho cuộc đời, cho tình yêu và tiếc nuối trước đất trời tươi đẹp. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là sáng tác được cho là hay nhất của nhà thơ viết về mối tình dang dở cùng những tình cảm thân thương, dịu hiền đối với đất Huế thơ mộng.
“Đây thôn Vĩ Dạ” được sáng tác sau khi Mặc Tử nhận được thư tay của Hoàng Thị Kim Cúc. Cô là người con gái mà nhà thơ đem lòng yêu thương nhưng số phận không để hai người đến được với nhau. Xót xa vì bệnh tật, lại thêm tiếc nuối cho mối tình mà những cảm xúc trong thơ thật khiến người đọc không khỏi nghẹn ngào, xúc động.
Mở đầu tác phẩm như là một lời trách móc nhẹ nhàng.
Sao anh không về thăm thôn Vĩ
Sau khi ra ở cách li ngoài đảo, đã lâu Hàn Mặc Tử chưa về thăm lại quê hương. Đó là câu hỏi tu tư, là điều mà cô gái muốn hỏi nhưng lại không cần câu trả lời. Tại sao lâu như vậy rồi mà anh không trở về nơi thôn Vĩ xinh đẹp. Tại sao lại không quay lại để tận hưởng vẻ thơ mông của quê hương và thăm lại người xưa. Cô gái muốn hỏi và đồng thời như muốn trách móc sự lãng quên của người mà cô thầm thương trộm nhớ. Cũng có thể câu thơ cũng là sự nuối tiếc của chính nhà thơ khi phải rời xa quê hương yêu dấu, rời xa nơi chất chứa biết bao kỉ niệm, và đặc biệt là rời xa người con gái anh đã yêu. Câu thơ như là lời giới thiệu để dẫn dắt bạn đọc đến với thôn Vĩ Dạ mộng mơ.
Phân tích bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Một bức tranh thôn quê dân giã hiện lên thật đẹp. Ta thấy một hàng cau cao vút đang vươn những tàu lá đón lấy ánh nắng mặt trời. Ánh nắng ấy không phải là ánh nắng chói chang, nóng bỏng của buổi trưa hè mà là thứ ánh nắng ấm áp, dịu dàng mỗi sớm mai. Nắng chiếu lên những ngọn cau thẳng tắp. Nắng mới còn biểu hiện cho mùa xuân, cho môt năm mới đang bắt đầu với tất cả niềm hân hoan, hồ hởi. Ánh nắng mang hơi ấm và sức sống đến cho vạn vật. Những khu vườn được đắm mình trong thứ ánh nắng dịu hiền. Cỏ cây đua nhau xanh tốt. Màu xanh trải dài khắp cả thôn quê. Nó không xanh rì, xảnh thẳm mà lại là màu xanh mướt như ngọc. Một cái nhìn thật tinh tế của tác giả. Mùa xuân, nắng mới làm cho cảnh vật tươi tắn và căng tràn sức sống. Màu xanh của cỏ cây làm cho bức tranh thêm trong lành, thoáng mát. Và trong nền trời ấy, những ngọn trúc đung đưa trước hiên nhà. Ta thấy lấp ló hình ảnh con người. Đó là những người con gái có khuôn mặt “chữ điền” phúc hậu. Phải chăng, con người xứ Huế ai cũng hiền lành và dịu dàng như thế?
Sau những hình ảnh tràn trề sức sống của nắng sớm, nhà thơ đưa ta đến dòng sông Hương mơ mộng với chút nhớ nhung dạt dào.
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn hiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Một cảm giác đìu hiu, man mác. Gió và mây vốn luôn song hành cùng nhau. Gió đẩy mây lờ lững trôi nhẹ trên không trung tạo nên một nền trời xinh đep. Mây theo gió bay bổng khắp muôn phương. Nhưng ở đây, mây và gió sao nghe xa lạ quá. Mây đi đường mây, gió đi đường gió, hai thứ như phân định rạch ròi, chẳng hề lưu luyến. Phải chăng đây là cảm giác của nhà thơ khi phải chia lìa, xa cách với người con gái anh thương. Họ sẽ mãi chẳng thể nào đi chung đường. Một nỗi buồn về sự li biệt đến tái tê. Giọng thơ không còn vui tươi, hồ hởi mà thay vào đó là cảm giác ảm đạm, u buồn.
Trên dòng sông Hương thơ mộng, những bông hoa bắp lay động theo làn gió. Màu xám của hoa làm cho bức tranh phong cảnh vốn tươi đẹp trở nên xám xịt, quạnh hiu. Cánh hoa nhè nhẹ bay mang theo nỗi buồn xa vắng. Cảnh nước buồn thiu lẳng lặng trôi và chạm đến ánh trăng huyền ảo. Thuyền trăng gợi tả cho niềm vui, hạnh phúc và lãng mạn ngọt ngào nhưng thuyền trăng ở đây liệu có đến kịp với người đang đợi ở bến sông. Cũng giống như hạnh phúc sẽ mãi chẳng thể nào chạm tới được. Một nỗi buồn, một sự tiếc nuối đến nghẹn ngào.
Và nỗi nhớ trào dâng mãnh liệt khiến nhà thơ không thể ngăn cản được sự nhớ nhung về dáng người quen thuộc.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Hình ảnh dịu dàng của những cô gái Huế được khéo lé đưa vào trong từng câu thơ. Màu trắng là màu đặc trưng trong trang phục của nữ sinh Huế. Sương, khói làm cho bức tranh thêm mờ ảo, lung linh. Câu thơ cuối là câu hỏi nhưng cũng chẳng phải là câu hỏi. Nó là sự thất vọng vì tình yêu không được đền đáp. Trái tim luôn khát khao yêu thương nhưng lại chẳng thể nào có được tình yêu ấy một cách trọn vẹn. Nhà thơ ngậm ngùi, thương xót. Nỗi niềm ấy biết tỏ cùng ai, đành phải ngậm ngùi nói với chính mình.
Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” vẽ lên bức tranh thôn Vĩ thơ mộng nhưng lại đầy u uất. Cảm xúc man mác trong tâm hồn con người bao trùm toàn bộ cảnh vật thiên nhiên, khiến cho người đọc cảng thêm nghẹn ngào, luyến lưu.
Seen