Đề bài: Cảm nhận của em về bài thơ “Thương vợ”
Bài làm
Trong nền văn học Trung đại, chúng ta gặp rất nhiều những sáng tác viết về số phận bạc bẽo, bấp bênh của người phụ nữ nhưng lại rất ít gặp những tác phẩm viết về người vợ. Nhà thơ Tế Xương là một trường hợp đặc biệt khi đã sáng tác khá nhiều về vợ. Trong đó, “Thương vợ” là một bài thơ hay, chân thành, mộc mạc nhưng lại chứa chan tình cảm.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người vợ tần tảo mà Tế Xương hết mực yêu thương.
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Câu thơ là lời giới thiệu hết sức ngắn gọn về người vợ. Nhà thơ không viết về sắc đẹp hay hay dình dạng của vợ mà lại lựa chọn công việc để nói đến. Bà Tú là một người buôn bán nhỏ ở mom sông. Đó là một phần đất nhô ra ở bờ sông, nó không chắc chắn và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Cụm từ “quanh năm” đã nói lên được sự chịu thương, chịu khó của bà Tú. Công việc ấy đã cướp hết thời gian của bà. Quanh năm ngày tháng bà bận bịu với việc buôn bán. Ngày này quan ngày khác, bà chẳng có lấy một chút thời gian dành riêng cho bản thân để nghỉ ngơi, để hưởng thụ. Suốt ngày bà bám trụ nơi mom sông bấp bênh, trôi nổi. Thời gian cứ đằng đẵng, triền miên như thế. Nó lặp đi lặp lại thành một quy luật không thể thay đổi. Ngày nắng hay ngày mưa bà vẫn đều bươn chải nơi mom sông mà không nghỉ. Bao lo toan vất vả ấy bà đều cần mẫn trải qua vì nỗi lo cho gia đình. Bà làm lụng để nuôi năm đứa con khôn lớn. Đó là trách nhiệm của bà, của những người làm cha làm mẹ. Thế nhưng, có một điều nghịch lí rằng, bà Tú không chỉ nuôi năm con mà còn phải nuôi “một chồng”. Chữ một như nhấn mạnh tất cả nỗi cực nhọc của bà. Đáng nhẽ ra, chồng phải là tụ cột gia đình, là người tạo ra nguồn thu nhập chính nhưng ông Tú không những không lo được mà lại còn trở thành gánh nặng cho vợ. Sự nghiệp của ông, con đường ăn học của ông đều do bà Tú gánh vác. Bao nỗi cực nhọc, lo toan bà đều một mình chịu đựng.
Sau lời giới thiệu khái quát ấy, những vần thơ tiếp theo đã thể hiện được lòng thương vợ của tác giả.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Nhà thơ đã rất khéo léo khi đưa hình ảnh con cò vào trong câu thơ. Cò là hình ảnh quen thuộc mà ta vẫn thấy trong ca dao, dân ca. Nó là tượng trưng cho những người nông dân hiền lành, chăm chỉ. Thân cò lặn lội nơi ruộng đồng để tìm kiếm thức ăn cũng chính là sự lầm lũi, đơn độc của bà Tú khi bươn chải ngoài kia để lo cho chồng cho con. Bà lúc nào cũng chỉ có một mình, cô đơn đầy thương xót. Ở những cánh đồng hoang vu, bà lầm lũi làm ăn. Rồi ở những phiên chợ đông đúc, bà cũng lầm lũi một mình. Sự đông đúc ấy càng làm nổi lên những vất vả cả bà. Chợ búa là nơi bon chen, giành giật, biết bao khó khăn nguy hiểm bà đều gánh chịu một mình. Từ láy “eo sèo” càng thể hiện rõ sự cơ cựa và gian truân ấy.
Sang đến những câu thơ tiếp theo, Tế Xương như muốn nói thay vợ mình về những cảm nhận cuộc sống.
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công
Tế Xương phải thương vợ biết bao nhiêu thì mới có thể thấu hiểu được tâm can bà như thế. Đến với ông Tú đối với bà đều là duyên phận. Duyên phận này là do ông trời sắp đặt nên bà luôn trân trọng và không bao giờ than trách. Những nắng mưa nhọc nhằn ấy cũng là số phận mà ông trời đã ban cho bà. Bà chấp nhận tất cả. không than vãn, oán trách chỉ mong con cái được lớn khôn khỏe mạnh, chồng được may mắn trong sự nghiệp học hành.
Thương vợ, xót vợ buộc Tế Xương phải thốt lên những lời oán trách đầy xót xa.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
Nhà thơ trách móc thói đời đối xử bất công với bà Tú nhưng thực chất là đang oán trách chính bản thân mình. Một người chồng nhưng chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Không những không lo được cho vợ con mà còn đem đến cho vợ biết bao lo toan, cực nhọc. Người chồng như ông thật sự có xứng đáng là một người chồng hay không. Ông thương vợ bao nhiêu thì lại càng cảm thấy có lỗi và nợ vợ bấy nhiêu. Sự chua xót ấy đã đẩy lên thành những lời chửi rủa. Điều này đủ để biết tình cảm mà Tế Xương giành cho vợ mình lớn lao biết nhường nào. Dù không giúp gì được cho vợ nhưng ông vẫn luôn cố gắng học hành mong sao một ngày thành công có thể chuộc lại tất cả những khó khăn mà vợ đã phải trải qua suốt bao nhiêu năm qua.
Bài thơ “Thương vợ” của Tế Xương là một bài thơ rất hay viết về vợ. Lời thơ mộc mạc, giản dị như chính tấm lòng của nhà thơ. Tuy đơn xơ nhưng lại rất chân thành và đáng quý.
Seen