Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão
Bài làm
Trong những triều đại phong kiến của Việt Nam, nhà Trần đã tạo nên được danh tiếng lẫy lừng qua ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. Sức mạnh của đội quân được khắc họa rất rõ nét qua bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão. Ngoài ra, bài thơ còn là tiếng lòng của tác giả bày tỏ về những suy nghĩ và lý tưởng cao đẹpc ủa chí làm trai.
Sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ nhất, tinh thần chiến đấu của quân đội nhà Trần vẫn luôn sục sôi. Danh tướng Phạm Ngũ Lão đã sáng tác bài thơ ‘Thuật hoài” để ngợi ca sức mạnh ngang tàng của nghĩa quân, đồng thời khích lệ và cổ vũ tinh thần ấy để họ bước vào cuộc chiến đấu lần thứ hai đang chuẩn bị kéo đến. Bài thơ ra đời thật đúng lúc cho thấy rằng tác giả không chỉ là một vị tướng tài ba, nhìn xa trông rộng mà còn là một đấng nam nhi luôn sẵn sàng chiến đấu dù ở bất kì hoàn cảnh nào.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh quân đội nhà Trần mang một sức mạnh quật cường, oai phong.
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu
Dịch nghĩa:
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu Đẩu
Hai chữ “hoành sóc” đã vẽ nên một bức tranh vô cùng cường tráng của nghĩa quân. Đoàn quân ấy, tay cắp ngang ngọn giáo xông pha về phía trước. Họ ngang tàng, hùng dũng giữa non sông rộng lớn. Sức mạnh ấy không phải chỉ trong chốc lát mà nó kéo dài cho đến “kháp kỉ thu”. Giọng thơ hào hùng càng làm tăng thêm sự lẫm liệt, cường tráng của bức tranh. Đoàn quân bước đi trong tư thế hiên ngang, mạnh mẽ. Họ mang trong mình dòng máu sục sôi, sẵn sàng chiến đấu. Đội quân ấy hào hùng tiến về phía trước mà không hề sợ hãi hay chùn bước. Sức mạnh ấy có thể cuốn bay đi tất cả những chướng ngại vật phía trước. Họ luôn trong tư thế chủ động tấn công và sẵn sàng đối mặt với bất kì lực lượng thù địch nào khác. Quân đội nhà Trần là lực lượng mang trong mình hào khí Đông A hừng hực, dũng mãnh và oai phong.
Sức mạnh của đội quân ấy là sức mạnh của tam quân. Nó là sự tổng hòa của tất cả những gì mạnh mẽ và lực lưỡng nhất. Đoàn quân ấy mạnh mẽ như hổ, như gấu, chỉ cần cất lên tiếng thét là mọi vật phải run sợ. Sức mạnh ấy còn xuyên thẳng lên trời cao, át cả sao Ngưu, sao Khuê đang rực cháy. Không gì có thể ngăn cản và dập tan được khí thế hào hùng đang sục sôi trong trái tim những người lính. Họ luôn sẵn sàng cầm lấy ngọn giáo để xông pha về phía trước đánh bại kẻ thù. Chính vì sự đoàn kết và chí khí của tam quân mà đội quân nhà Trần đã đánh bại được Nguyên Mông, một lực lượng vô cùng mạnh mẽ lúc bấy giờ.
Sau những ngợi ca về đoàn quân cường tráng, Phạm Ngũ Lão đã bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình vào hai câu thơ cuối bài.
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Dịch nghĩa:
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ Hầu
Đối với tác giả, món nợ công danh là một cái gì đó vô cùng lớn lao và có giá trị. Theo ông, sinh ra là một đấng nam nhi thì phải sống sao cho xứng đáng với cuộc đời. Đó là một chí khí cao ngời và luôn rực cháy. Đối với một đấng nam nhi ở trên đời, phải sống làm sao cho xứng đáng là một đại trượng phu đầu đội trời, chân đạp đất. Họ luôn luôn phải ngẩng cao đầu và không bao giờ được hèn mọn. Cũng vì lẽ đó, món nợ công danh là món nợ mà bất kì người đàn ông nào cũng phải gánh vác. Món nợ công danh theo quan niệm của Phạm Ngũ Lão không phải là chức tước, quyền hành hay vinh hoa phú quý mà đó là trách nhiệm đối với đất nước, đối với nhân dân. Người làm trai phải biết đem sức mình phục vụ vua, phục vụ đất nước và phục vụ nhân dân. Trách nhiệm của họ là giữ gìn độc lập dân tộc và đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Một khi đất nước còn loạn lạc, nhân dân còn lầm than thì họ chưa hoàn thành nhiệm của mình, chưa trả được món nợ công danh mà họ đang gánh vác.
Dù đã lập được nhiều công danh, đã giúp Hưng Đạo Vương rất nhiều nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn thấy mình còn chưa trả được hết món nợ công danh bởi đất nước chưa thật sự yên bình. Bởi vậy nên ông luôn cảm thấy hổ thẹn khi nghe nhắc đến chuyện Vũ Hầu (Gia Cát Lượng). Qua đó, ta thấy được khát khao muốn cống hiến cho đất nước của ông thật lớn. Ông luôn sống vì lý tưởng phò vua giúp nước, trung quân ái quốc đáng tự hào.
Bài thơ “Tỏ lòng” không chỉ vẽ nên bức tranh cường tráng của quân đội nhà Trần một thời lừng lẫy mà nó còn thể hiện được tinh thần yêu nước thương dân sâu nặng của Phạm Ngũ Lão. Chúng ta mãi biết ơn và tự hào về những vị anh hùng đã cống hiến thân mình cho nước, cho dân.
Seen